Là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phát triển con người ở Việt Nam, diễn giả Quách Tuấn Khanh nói nghề của anh được ví như đi “bán nước bọt”. Nhưng nếu “bán nước bọt” mà làm cho người khác sống vui, sống tốt hơn…, với anh, đó đã là thành công và hạnh phúc rất lớn.
Lối rẽ từ những khóa học thêm
Khi bắt đầu làm việc với nghề bảo hiểm, Quách Tuấn Khanh không nghĩ mình sẽ trở thành diễn giả chuyên nghiệp. Rồi khi tham gia một số khóa đào tạo về phát triển con người trong quá trình làm việc đã tạo ra cho anh bước ngoặt đầu tiên. Những trải nghiệm sau đó giúp tiếng nói trong chính con người anh trỗi dậy, thôi thúc anh tìm hiểu về quy luật thuyết phục, quy luật làm giàu, làm chủ… Có dịp gặp gỡ nhiều diễn giả quốc tế tại các hội thảo anh mới phát hiện, trở thành diễn giả chuyên nghiệp hoàn toàn phù hợp với con người, năng khiếu, niềm đam mê của anh.
Với anh, nghề diễn giả giống như nghề giáo, nếu hiểu giáo viên là người giảng dạy phương pháp để tự khám phá kiến thức, hướng dẫn cách sống, định hướng cuộc sống, tìm ra đích đến của cuộc đời. Còn nếu nghĩ đến nghĩa hẹp của giáo viên theo kiểu nhiều người làm nghề giáo hiện nay, truyền dạy vừa đủ những kiến thức trong môn học thì rõ ràng công việc diễn thuyết trước công chúng anh đang theo đuổi khác với giáo viên.
Bởi người diễn giả chỉ tham gia “vận chuyển” kiến thức thì diễn giả đó ở tầm bình thường. Kiến thức hiện tại có thể lấy từ rất nhiều nguồn khác nhau, kiến thức vừa truyền đạt sẽ cũ ngay không lâu sau đó. Đặc biệt, anh hay nói vui với đồng nghiệp rằng, không phải ai cũng sẵn sàng ngồi lại lắng nghe. Nhiều người nói người khác chịu nghe, nhưng chưa chắc những điều nghe được có ích cho người nghe. Nhiều người nói những điều hữu ích cho người nghe nhưng chưa chắc người nghe sẵn lòng muốn nghe. Đó là cái khó thường thấy ở những người theo đuổi nghề diễn giả của ta hiện nay.
Cái khó nữa theo anh là thói quen ít cởi mở với những điều mới ở ta và tính sĩ diện còn rất cao. Người diễn giả trước công chúng như anh thường bị quy vào việc “dạy đời” và dễ làm người có tính sĩ diện cao tổn thương. Nhiều người như vậy sẽ tạo thành bức tường cản trở, khó có thể học hỏi được gì từ người khác, họ chỉ muốn bơm “thức ăn” cho lòng sĩ diện của họ sống. Đó là trở lực ghê gớm mà những người muốn trở thành diễn giả chuyên nghiệp phải vượt qua.
Tài sản lớn nhất là thương hiệu cá nhân
Quách Tuấn Khanh cho rằng, cái quan trọng là bản ngã, phải có thế mạnh về ngôn ngữ, lập luận logic, năng lực kết nối với người nghe cùng khả năng khám phá năng lực tiềm ẩn từ bản thân. Đặc biệt cần ở diễn giả là ý thức nói nên điều mình đã làm được, chú ý đến nguyên tắc sống, sự làm gương và định hình phong cách giao tiếp. Khi đó sức thuyết phục, năng lượng, cảm xúc của diễn giả sẽ mạnh hơn, người nghe sẽ nhìn diễn giả như cái “la bàn” để họ thay đổi bản thân.
Chính từ nhận thức như vậy, Quách Tuấn Khanh làm công việc của mình một cách nhiệt thành đúng nghĩa. Anh học hỏi liên tục, khám phá bản thân, làm mới mình liên tục. Anh đặt ra nguyên tắc luôn làm mới bài giảng của mình qua giả định người ngồi nghe là người đã từng học bài giảng, từng nghe anh giảng trước đây. Thông qua quá trình như thế, anh phát triển từng ngày, trưởng thành từng ngày, đi sâu hơn vào con đường diễn giả chuyên nghiệp.
Quách Tuấn Khanh còn có sự điềm nhiên hiếm thấy, nhưng hai chữ “hài lòng” chưa khi nào anh nghĩ mình sẽ đặt trên bàn làm việc. Anh ý thức được một điều của nghề diễn giả trước công chúng là “gừng càng già sẽ càng cay”. Nếu định giá, tài sản lớn nhất với anh hiện tại chính là thương hiệu cá nhân. Vì thế, quan niệm của anh khi theo đuổi nghề diễn giả là cần làm chủ được cái tôi của bản thân, cần bước qua khu rừng hào quang của sự tán thưởng thái quá.
Muốn ở đỉnh cao, ngoài những khả năng cốt lỗi, người diễn giả cần năng lực kinh doanh những bài nói chuyện, khả năng thương mại giúp người diễn giả mở rộng thị phần khán giả. Điều quan trọng nữa trong suy nghĩ của Quách Tuấn Khanh là trong công việc hàng ngày hãy đi tìm giải pháp, có vấn đề hãy chuyển ngay sang suy nghĩ tìm giải pháp để công việc thuận lợi, đầu óc phát triển, tránh được căng thẳng, stress. Người diễn giả hãy đi từ nguyên lý đem lại hạnh phúc cho bản thân trước, rồi sẽ mang lại được hạnh phúc cho gia đình. Và với tư cách là người hạnh phúc, ta sẽ làm lan tỏa hạnh phúc tới những người xung quanh.
Theo thegioidanong.net
No comments:
Post a Comment